Những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu ở nước ta trong đó có tỉnh Thái Bình có sự gia tăng đáng kể về số lượng các cơn bão, đặc biệt là các cơn bão có cường độ rất mạnh, xuất hiện muộn và di chuyển không tuân theo qui luật khí hậu. Theo thống kê từ năm 2011 đến năm 2019, năm nào Thái Bình cũng hứng chịu ảnh hưởng từ 2 đến 4 cơn bão và Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Chỉ trong 4 năm từ 2012-2016, tại Thái Bình đã chịu ảnh hưởng của hai cơn bão có cường độ rất mạnh đó là bão số 8 (Bão Sơn Tinh) năm 2012 và bão số 1( Bão Mirinea) tháng 7 năm 2016. Cả hai cơn bão đều có sức gió cấp 11, cấp 12 giật cấp 14, cấp 15 kèm theo mưa rất lớn đã gây ra thiệt hại nặng nề về tài sản của nhà nước và nhân dân trong tỉnh, phá hoại nghiêm trọng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở sản xuất mà sau một thời gian dài mới khắc phục được.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, trong đó có khoa học công nghệ về dự báo KTTV, Ngành Khí tượng Thủy văn đã được quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong dự báo bão, ATNĐ. Chính vì vậy mà mức độ chính xác của các bản tin dự báo bão, ATNĐ đã được nâng lên rõ rệt. Hiện nay chúng ta có thể dự báo trước 72 giờ về khả năng vị trí, hướng di chuyển và cường độ của bão. Hướng di chuyển, cường độ bão của nhiều cơn bão luôn luôn thay đổi vì vậy các bản tin trước 48 và 72 giờ để giúp các sở, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân chủ động ứng phó, còn muốn xác định được tâm bão và cường độ một cách tương đối chính xác thì chỉ có bản tin dự báo trước 24 giờ, thậm chí với các cơn bão có hướng di chuyển phức tạp thì tâm và cường độ của bão chỉ được xác định chính xác trước 18 giờ.
Lấy ví dụ cụ thể về hai cơn bão mạnh ảnh trực tiếp đến Thái Bình:
1. Bão số 8 năm 2012 ảnh hưởng trực tiếp tới Thái Bình vào đêm ngày 28/10. Đây là một cơn bão rất mạnh có hướng di chuyển phức tạp. Lúc đầu khi vào Biển Đông ngày (25/10) bão chỉ có cường độ cấp 9 giật cấp 10, cấp 11 và tâm bão được dự báo đổ bộ vào các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng. Tuy nhiên sau đó bão tăng cường độ lên cấp 11, cấp 12 và di chuyển ngoài khơi dọc theo bờ biển các tỉnh Trung Trung bộ, Bắc Trung bộ, tiến ra ven biển các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, tâm bão quét qua bờ biển Thái Bình và Nam Định (đêm này 28/10) rồi đổ bộ vào Móng Cái, Quảng Ninh.
Nếu những ai theo dõi liên tục các bản tin dự báo về cơn bão này sẽ thấy cơ quan Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thay đổi liên tục về vị trí dự báo mà tâm bão đổ bộ, với hai bản tin chỉ cách nhau 2 giờ đồng hồ đã thấy có sự thay đổi nhiều về vị trí tâm bão: bản tin số 20 phát lúc 9h30 ngày 27/10 dự báo đến 07 giờ ngày 28/10 vị trí tâm bão cách bờ biển Thanh Hóa- Nghệ An 90 km về phía Đông, sang đến bản tin số 21 phát lúc 11h30 dự báo đến 10 giờ ngày 28/10 vị trí tâm bão trên vùng bờ biển Thái Bình- Nghệ An.
Đường đi của bão số 8 năm 2012
2. Bão số 1 năm 2016 đổ bộ vào khu vực ven biển Nam Định- Thái Bình vào đêm này 27/7 rạng sáng ngày 28/7/2016. Ngày 26/7 khi còn ở khu vực Bắc Biển Đông bão chỉ duy trì gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10, các trung tâm dự báo bão trên thế giới và trung tâm dự báo KTTV Trung ương của Việt Nam khi đó đều dự báo bão sẽ đổ bổ bộ vào khu vực Quảng Ninh ( gần Móng Cái) với cường độ bão mạnh nhất khi đổ bộ cấp 8 giật cấp 9-10. Tuy nhiên từ chiều tối ngày 26 tháng 7 bão dần chuyển hướng về phía nam hướng tới các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, bản tin lúc 23h00 ngày 26/7 của Trung tâm dự báo KTTV Trung ương xác định tâm bão đi vào khu vực Nam Định –Thái Bình, cường độ bão lúc này ghi nhận được cũng chỉ ở cấp 8-9, giật cấp 10. Có một điều bất thường sau khi đi qua đảo Hải Nam bão số 1 di chậm lại và tăng cường độ lên rất nhiều, thậm chí khi còn cách bờ biển Ninh Bình –Thái Bình khoảng 60 km bão gần như không dịch chuyển và tăng cường độ lên đột ngột, điều này giải thích tại sao gió mạnh trong bão số 1 duy trì rất lâu và chủ yếu là hướng gió Đông, sự bất thường này nằm ngoài dự báo của tất cả các trung tâm dự báo bão trên thế giới trong đó có cả Việt Nam và thực sự đã gây ra khó khăn cho công tác dự báo.
Dự báo hướng di chuyển và vị trí tâm bão số 1 đổ bộ, bản tin lúc 9h00 ngày 26/7/2016.
Dự báo hướng di chuyển và vị trí tâm bão số 1 đổ bộ, bản tin lúc 23h00 ngày 26/7/2016.
Lấy ví dụ về hai cơn bão nêu trên để thấy rằng việc dự báo bão tuy đã đạt được nhiều tiến bộ, tuy nhiên với từng cơn bão cụ thể, với tính bất thường về hướng di chuyển và cường độ vẫn là một thách thức lớn cho công tác dự báo. Vì vậy để có thể chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả làm giảm nhẹ thiệt hại do bão gây ra, chúng tôi khuyến cáo tới các sở, ngành, chính quyền địa phương và mọi người dân một số vấn đề như sau:
1. Phải có sự phối hợp chặt trẽ giữa cơ quan Khí tượng Thủy văn và các cơ quan truyền thông trong việc đưa các bản tin dự báo bão đến với rộng rãi tới tất cả các sở, ngành, chính quyền địa phương và đặc biệt là đến với đông đảo mọi tầng lớp nhân dân một cách đầy đủ, kịp thời. Đa dạng hóa các hình thức truyền tin về bão như phát thanh, truyền hình, đặc biệt là hệ thống truyền thanh ở cơ sở ( phường, xã) hệ thống thông tin lưu động.
2. Việc theo dõi bão, ATNĐ phải thường xuyên, liên tục để nắm được diễn biến, sự thay đổi bất thường về hướng di chuyển và cường độ của các cơn bão từ đó để có những phương án ứng phó kịp thời.
3. Công tác triển khai ứng phó với bão, ATNĐ phải được thực hiện trước 24- 48h khi bão đổ bộ, tuy rằng vào thời điểm này hướng di chuyển, cường độ và vị trí tâm bão đổ bộ của bão, ATNĐ còn có thể thay đổi, nhưng không thể vì vậy mà chờ đến lúc xác định tương đối chính xác vị trí tâm bão cũng như cường độ của bão thì mới triển khai như vậy sẽ không còn đủ thời gian để thực hiện, đặc biệt là hoạt động của tàu thuyền trên biển, việc sơ tán người dân sinh sống khu vực ven biển ngoài đê chính.
4. Tần suất và thời gian ban hành các bản tin bão, ATNĐ được quy định tại Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg được quy định như sau:
4.1 Tin bão gần Biển Đông, Tin áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, Tin áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
a) Mỗi ngày ban hành 4 bản tin chính vào 2 giờ 30, 9 giờ 00, 14 giờ 30 và 21 giờ 00;
b) Trường hợp áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông diễn biến phức tạp, ngoài 4 bản tin chính, cần ban hành một số bản tin bổ sung xen kẽ giữa các bản tin chính.
4.2. Tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp, Tin áp thấp nhiệt đới trên đất liền, Tin bão trên Biển Đông, Tin bão khẩn cấp, Tin bão trên đất liền
a) Mỗi ngày ban hành 8 bản tin chính vào 2 giờ 30, 5 giờ 00, 9 giờ 00, 11 giờ 00, 14 giờ 30, 17 giờ 00, 21 giờ 00 và 23 giờ 00;
b) Trong thời gian có tin áp thấp nhiệt đới khẩn cấp, tin bão khẩn cấp và những trường hợp áp thấp nhiệt đới, bão diễn biến phức tạp, ngoài 8 bản tin chính, cần ban hành một số bản tin bổ sung xen kẽ giữa các bản tin chính.
Đối với Đài Khí tượng Thủy văn Thái Bình, khi có bão, ATNĐ ảnh hưởng tới nước ta hoặc Thái Bình các dự báo viên có trách nhiệm theo dõi sát đường đi, cường độ và khả năng đổ bộ của bão dựa trên cơ sở dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, các Trung tâm dự báo bão trên thế giới, phân tích bản đồ Synop, phân tích ảnh mây vệ tinh, ảnh Ra đa, hội thảo trực tuyến với các chuyên gia, các dự báo viên của Trung tâm KTTV dự báo quốc gia, Đài khu vực, để có nhận định riêng về khả năng ảnh hưởng của bão, ATNĐ tới Thái Bình.
Sau khi bản tin của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia được phát ra, Đài Khí tượng Thủy văn Thái Bình sẽ biên soạn giữ nguyên các nội dung chính của bản tin kèm theo nhận định của Đài về khả năng ảnh hưởng của bão tới Thái Bình. Bản tin ngay sau đó được gửi tới Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Đài phát thanh, truyền hình, báo Thái Bình, các sở, ngành, các đơn vị có liên quan bằng fax, mạng Văn phòng hoặc qua thư điện tử.
Các bản tin đó cũng được đăng tải ngay lên Website của Đài KTTV tỉnh Thái Bình. Các sở, ngành, chính quyền địa phương và mọi người dân có điều kiện có thể truy cập vào Website để theo dõi; các Đài Phát thanh huyện, Truyền thanh xã có thể truy cập trực tiếp lấy bản tin để thông báo đến mọi người dân kèm theo công điện của Ban chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh.
Kỹ sư Phạm Quốc Hưng- Giám đốc Đài KTTV tỉnh Thái Bình