Để thuận tiện trong quá trình sử dụng tài liệu này, xin nêu lên một số định nghĩa, thuật ngữ, ký hiệu chuyên ngành được dùng trong tài liệu.
+) Vĩ tuyến là đường tròn giao nhau giữa mặt trái đất và mặt phẳng vuông góc với trục trái đất.
+) Kinh tuyến là vòng tròn đi qua Bắc cực và Nam cực.
+) Xích đạo là đường tròn giao nhau giữa mặt trái đất và mặt phẳng vuông góc với trục trái đất và đi qua tâm trái đất.
+) Vĩ độ của bất kỳ một điểm nào trên mặt đất là góc giữa mặt phẳng xích đạo với mặt phẳng thẳng góc với mặt đất tại điểm đó-tức là vòng cung ngắn nhất từ điểm đó đến xích đạo.
+) Xuân phân và Thu phân là ngày mặt trời chiếu thẳng góc vào xích đạo: ngày 21/3 và 23/9.
+) Hạ chí (21/6) là ngày mặt trời chiếu thẳng góc vào chí tuyến bắc bán cầu.
+) Đông chí (22/12) là ngày mặt trời chiếu thẳng góc vào chí tuyến nam bán cầu.
+) Độ ẩm tuyệt đối (e): Trong khí quyển có hơi nước, độ ẩm tuyệt đối là áp suất (mb) riêng phần của riêng lượng hơi nước tồn tại trong khí quyển tạo nên. Độ ẩm tuyệt đối cực đại của hơi nước trong khí quyển ở một nhiệt độ nhất định là một trị số nhất định; vượt quá trị số nhất định đó, hơi nước thừa sẽ biến thành thể lỏng hoặc thể rắn. Độ ẩm tuyệt đối cực đại đó gọi là độ ẩm tuyệt đối bão hoà; không khí khi đó cũng gọi là không khí bão hoà.
+) Độ ẩm tương đối (U): Ở điều kiện nhiệt độ nhất định, tỉ số phần trăm của độ ẩm tuyệt đối thực tế trong khí quyển với trị số độ ẩm tuyệt đối bão hoà trong cùng điều kiện nhiệt độ, gọi là độ ẩm tương đối (thường gọi là độ ẩm của không khí).
+) Sương móc: Khi không khí ở sát mặt đất, cây cỏ, bão hoà, hơi nước sẽ ngưng kết thành những giọt nước lạnh đọng trên lá cây, mặt cỏ v.v... Hiện tượng sương móc này chỉ xảy ra ở lớp không khí tiếp xúc với mặt đất, cây cỏ.
+) Sương muối (sương giá): Những tinh thể nước đá phủ trên mặt đất hoặc những vật sát mặt đất khi nhiệt độ mặt đất hạ thấp xuống dưới 0oC. Ở nhiệt độ này các hạt sương đọng lại, hoặc hơi nước thăng hoa thành các hạt băng nhỏ.
+) Sương mù: Hơi nước ngưng kết xảy ra trong các lớp không khí ngay sát mặt đất, tạo thành những đám hạt nước rất nhỏ, làm giảm độ trong suốt của khí quyển, giảm tầm nhìn. Hiện tượng này gọi là sương mù.
+) Gió mùa là gió thổi trong những thời kỳ nhất định; hướng gió luân phiên thay đổi theo mùa.
- Mùa đông, lục địa Châu Á là một áp cao lạnh, Ấn Độ Dương là một vùng áp thấp nóng-sẽ tạo gió thổi từ lục địa ra biển, nhưng do sự quay của quả đất nên gió có hướng đông bắc-gọi là gió mùa đông bắc.
- Mùa hạ, vùng tây nam Châu Á là một vùng áp thấp, Ấn Độ Dương là một vùng áp cao. Gió thổi từ áp cao nam bán cầu lên xích đạo đến bắc bán cầu, gọi là gió mùa tây nam.
+) Gió đất biển: Do sự không đồng nhất của mặt đệm, dẫn đến sự khác biệt nhiệt độ không khí giữa đất liền và biển, nên ban đêm gió thổi từ đất liền ra biển, ban ngày gió thổi từ biển vào đất liền.
+) Gió Phơn: Luồng không khí thổi từ vùng thấp vượt qua dãy núi cao, trong quá trình này luồng không khí bị cưỡng bức nâng lên; Nhiệt độ không khí sẽ giảm đi khoảng 0.6 độ/100m, hơi nước ngưng kết, trút mưa xuống sườn đón gió; khi vượt qua đỉnh núi, luồng không khí này bị cưỡng bức trượt xuông thấp, lúc này không khí đã trở nên khô ráo, nhiệt độ sẽ tăng lên 1 độ/100m; vì vậy không khí sẽ có nhiệt độ cao ( cao hơn nhiệt độ lúc ban đầu bên sườn đón gió ) và độ ẩm thấp (khô nóng) thổi xuống sườn cao nguyên hoặc đồng bằng lân cận.
+) Gió mùa tây nam khi vượt qua Trường Sơn bị cưỡng bức nâng lên; Hơi nước trong không khí bị ngưng kết và gây mưa ở sườn đón gió (tây Trường Sơn). Qua khỏi núi, không khí trở nên khô và khi trượt xuống thung lũng hoặc đồng bằng, không khí biến đổi theo đoạn nhiệt khô nên nhiệt độ của không khí lên cao và độ ẩm khá thấp.
+) Khí đoàn là một khối không khí lớn, có nhiệt độ và độ âm tương đối đồng nhất, phạm vi khống chế rộng hàng vạn kilomet vuông.
+) Mặt front là mặt quá độ hẹp, nghiêng giữa 2 khí đoàn có tính chất nhiệt, ẩm khác nhau .
+) Áp thấp nhiệt đới, bão: Một vùng khí áp thấp hình thành trên vùng biển nhiệt đới: Vùng khí áp này có gió xoáy ngược chiều kim đồng hồ (ở bắc bán cầu). Khi áp thấp này có gió xoáy mạnh cấp 6, cấp 7 gọi là áp thấp nhiệt đới. Nếu có gió xoáy mạnh cấp 8 trở lên gọi là bão. Bản thân cả vùng xoáy thấp nhiệt đới này di chuyển với tốc độ nào đó và đó là tốc độ di chuyển của áp thấp nhiệt đới hay bão.
+) Dải hội tụ nhiệt đới (đường hội tụ nhiệt đới) là đường hội tụ giữa hai đới gió đông bắc với gió tây nam trên vùng nhiệt đới. Thông thường, đường hội tụ này nối liền từ một áp thấp ở lục địa với một áp thấp hoặc bão ở trên biển. Bão, áp thấp, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới, rãnh thấp xích đạo gọi chung là các nhiễu động nhiệt đới.
+) Lưỡi cao áp lạnh: Không khí lạnh di chuyển xuống phía nam gây ra gió mùa đông bắc, thường thể hiện dưới dạng một "lưỡi cao áp lạnh".
+) Áp cao nóng, ẩm hình thành theo vĩ tuyến ở Thái Bình Dương gọi là áp cao Thái Bình Dương hay áp cao cận nhiệt đới Thái Bình Dương. Áp cao này, khi xâm nhập vào Việt Nam, giống như một cái lưỡi, gọi là lưỡi áp cao Thái Bình Dương. Gió thổi thuận chiều kim đồng hồ (bắc bán cầu), ở rìa phía nam của áp cao này gọi là tín phong đông bắc.
+) Vòi rồng: Đôi khi trong cơn dông có hiện tượng: Từ chân mây dày đặc một cột mây hạ xuống mặt đất (hoặc mặt nước) hình thù giống như một cái vòi voi khổng lồ, bụi cát, đất đá, nước bị cuốn hút lên mù mịt. Hiện tượng này gọi là vòi rồng.
+) Gió lốc: Trong ngày hè nóng bức, ta thấy có hiện tượng gió xoáy cuộn cát bụi bay lên thành một cột khá cao, vừa xoáy, vừa dịch chuyển trên mặt đất gọi là gió lốc.
+) Tố: Nhiều cơn dông hợp thành, tạo ra gió giật mạnh, sấm sét, mưa gió mạnh.Hiện tượng này thường thấy trước mặt front lạnh (không khí lạnh đẩy lùi không khí nóng).
+) Ttb: nhiệt độ trung bình; Txtb: nhiệt độ cao nhất trung bình; Tmtb: nhiệt độ thấp nhất trung bình; Tx: nhiệt độ cao nhất tuyệt đối; Tm: nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối.
+) Hướng gió N: Bắc; NNE: Bắc Đông Bắc; NE: Đông Bắc; ENE: Đông Đông Bắc; E: Đông; ESE: Đông Đông Nam; SE: Đông Nam; SSE: Nam Đông Nam; S: Nam; SSW: Nam Tây Nam;SW: Tây Nam; WSW: Tây Tây Nam; W: Tây; WNW: Tây Tây Bắc; NW: Tây Bắc; NNW: Bắc Tây Bắc.
+) Mực nước: Mực nước tại 1 trạm hoặc một vị trí nào đó trên sông tại một thời điểm là cao độ mặt nước tại vị trí (trạm) đó so với một mặt chuẩn nào đó. Mực nước thường được tính theo đơn vị cm hoặc m.
+) Lưu lượng dòng chảy: Là lượng nước chảy qua một mặt cắt ngang sông trong một đơn vị thời gian- đơn vị tính là m3/s.
+) Tổng lượng dòng chảy: là tổng lượng nước chảy qua một mặt cắt ngang sông trong một thờii gian nào đó. Tổng lượng dòng chảy năm là lượng dòng chảy được lưu vực sinh ra trong 1 năm.
Tổng lượng được ký hiệu W- đơn vị tính: m3.
+) Lớp dòng chảy năm: Là độ dày lớp nước sinh ra nếu toàn bộ lượng dòng chảy trong 1 năm (tổng lượng dòng chảy năm) được phủ đều trên bề mặt lưu vực.
+) Môduyn dòng chảy: Là lượng dòng chảy trung bình chảy trên 1 đơn vị diện tích bề mặt lưu vực trong 1 đơn vị thời gian.
Môduyn dòng chảy được tính bằng đơn vị: l/s/km2.
+) Biên độ lũ: là chênh lệch mực nước, lưu lượng giữa chân lũ và đỉnh lũ (cm, m, m3/s vv...).
+) Cường suất lũ: là chênh lệch mực nước, lưu lượng lũ trong một đơn vị thời gian (cm/h; m/h vv...)
+) Biên độ triều: Là chênh lệch mực nước giữa chân triều và đỉnh triều.
ĐÀI KTTV THÁI BÌNH