Trong những năm qua, diễn biến thời tiết và khí hậu ngày càng phức tạp đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường, Ngành Khí tượng Thủy văn đã chủ động dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho công tác phòng chống thiên tai được Chính phủ và người dân ghi nhận.
Mở rộng thời hạn dự báo, cảnh báo
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, những năm qua, Tổng cục KTTV đã không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo thiên tai đặc biệt là công tác dự báo và cảnh báo sớm.
Ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã có rất nhiều thay đổi với mục tiêu tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn, tăng mức độ chi tiết trong các bản tin, ban hành các bản tin sớm hơn với độ tin cậy cao nhất có thể để các cơ quan phòng chống thiên tai và người dân có thêm thời gian chuẩn bị, thời gian xây dựng kế hoạch sớm ứng phó thiên tai.
Đối với lĩnh vực dự báo khí tượng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai đã được mở rộng tới 10 ngày; nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn. Đối với bão/ áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) giai đoạn đầu năm 2000 vẫn chỉ dự báo 24 giờ, nhưng đến hiện tại đã nâng dự báo bão/ ATNĐ lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày. Dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày, cảnh báo dông sét trước từ 30 phút đến 2-3 giờ. Các đợt rét đậm, rét hại thì cảnh báo trước 5-7 ngày, dự báo trước 2-3 ngày. Đối với lĩnh vực dự báo khí hậu, chúng tôi đã tăng tần suất các bản tin dự báo từ 1 lần/tháng lên tới 3 lần/tháng; các bản tin dự báo mùa cũng được cập nhật hàng tháng, thay vì 2 tháng một lần như trước đây; ngoài ra ngành cũng đã có thêm các bản tin dự báo xu thế năm phát hành trong các ngày 15/01; 15/7.
Với lĩnh vực dự báo biển, trước đây chúng ta chỉ dự báo 24h, thì hiện nay chúng tôi đã dự báo tới 48-72h và cảnh báo trong khoảng 4-10 ngày. Độ phân giải cho mô hình dự báo sóng đã được chi tiết đến 4 km cho hạn dự báo 10 ngày.
Không chỉ tăng hạn dự báo, thời điểm phát tin cũng sớm hơn. Thời điểm ban hành các bản tin bão hiện nay cũng sớm hơn trước đây từ 30 phút đến 01 giờ. Các bản tin thiên tai khác như nắng nóng, không khí lạnh, mưa lớn đều được ban hành sớm hơn 30 phút so với trước đây.
Để đạt được những kết quả trong công tác dự báo như trên, những năm qua, ngành KTTV đã đầu tư nâng cấp mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại, đồng bộ. Chuyển dần từ đo thủ công sang tự động, đan dày các trạm quan trắc ở vùng núi, vùng sâu. Mạng lưới trạm KTTV hiện nay đã phát huy được vai trò trong việc đảm bảo cung cấp số liệu phục vụ kịp thời cho công tác giám sát các hiện tượng KTTV phục vụ tốt cho công tác phòng, chống thiên tai.
Hiệu quả cảnh báo sớm
Chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của Việt Nam dần tiệm cận trình độ quốc tế tiên tiến, góp phần giảm thiểu các thiệt hại và người và tài sản. Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái khẳng định, chất lượng dự báo tốt giúp giảm thiệt hại của thiên tai. Đơn cử như đợt Xâm nhập mặn năm kỷ lục mùa khô 2019-2020 được đánh giá là khốc liệt hơn năm 2016 nhưng nhờ có thông tin cảnh báo sớm, dài hạn về hạn mặn năm 2020, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức các Hội nghị và chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành, cơ quan chức năng tập trung triển khai cụ thể các phương án phòng chống và khắc phục hậu quả, vì vậy thiệt hại chỉ bằng 1/10 so với năm 2016.
Năm 2021, nhờ công tác dự báo sớm và tin cậy, nên thiệt hại thiên tai giảm rất nhiều so với năm 2020 và là một trong những năm có thiệt hại thấp nhất. Trong đó, cơn bão số 9 (tên quốc tế là RAI) là một cơn bão rất mạnh có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Tuy nhiên, nhờ công tác dự báo từ rất sớm cơn bão này ít có khả năng ảnh hưởng đến đất liền. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại thời điểm đó có diễn biến phức tạp, việc đưa ra thông tin dự báo từ sớm, có độ tin cậy rất cao đã giảm thiểu được các nguồn lực nhà nước trong việc ứng phó cơn bão rất mạnh này.
Trong bối cảnh biến đổi khí hâu, thiên tai ngày càng xảy ra khắc nghiệt, đại dịch COVID-19 làm gia tăng tính phức tạp trong những thách thức mà xã hội phải đối mặt và làm suy yếu các cơ chế, biện pháp ứng phó với thiên tai. Vì vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Khí tượng Thủy văn, cơ quan Quản lý thiên tai, chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông báo chí để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu là một yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả .
"Thống nhất, đoàn kết, chuẩn bị kỹ lưỡng, hành động đúng lúc, đúng chỗ, giúp chúng ta biến rủi ro thành cơ hội để phát triển, có thể cứu sống nhiều người và bảo vệ sinh kế của cộng đồng ở khắp mọi nơi, cả hiện tại và trong tương lai", Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Nguồn tin: Tạp chí KTTV